Các loại thuốc nhuận tràng với cơ chế kích thích nhu động ruột, làm mềm phân, thường được sử dụng trong điều trị táo bón. Tuy nhiên, nếu không biết cách sử dụng có thể gây nhiều tác dụng phụ.
Thuốc nhuận tràng là gì?
Thuốc nhuận tràng là loại thuốc có tác dụng hút nước ở đường ruột, giúp đường ruột ẩm ướt từ đó làm mềm phân. Đồng thời, thuốc còn kích thích nhu động ruột hoạt động tốt hơn, tăng cường dồn nén giúp đẩy phân ra ngoài một cách dễ dàng.

Các loại thuốc nhuận tràng dùng để hỗ trợ cải thiện táo bón
Thuốc nhuận tràng được chỉ định để điều trị cho người bị chứng táo bón nhiều ngày. Thông thường, thuốc sẽ có tác dụng trong vòng vài giờ đồng hồ. Người bệnh sau khi sử dụng sẽ dễ dàng đi đại tiện hơn, từi đó cải thiện tình trạng táo bón.
Thuốc nhuận tràng chỉ có tác dụng điều hòa nhanh tình trạng vận chuyển phân trong ruột nên nó được dùng trong một số trường hợp để giúp điều trị táo bón nhẹ. Hiện có nhiều nhóm thuốc nhuận tràng có cách dùng, liều lượng và thời gian dùng thuốc rất khác nhau.Vì vậy, thuốc cần có hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ. Thuốc nhuận tràng và thuốc xổ có tác dụng tạm thời và chỉ nên dùng trong 2-3 ngày. Nếu bạn dùng quá lâu, chúng có thể gây ảnh hưởng không tốt lên màng nhầy ruột.
Các loại thuốc nhuận tràng phổ biến hiện nay
Các nhóm thuốc nhuận tràng phổ biến
Theo các chuyên gia y tế, thuốc nhuận tràng hiện nay được chia thành 5 nhóm chính dưới đây:
Nhóm thuốc bôi nhờn khối phân
Nhóm thuốc bôi nhờn khối phân gồm các loại thuốc nhuận tràng chống táo bón có hoạt chất là dầu khoáng như: paraffine, vaseline. Những loại dầu này không hấp thu tại ruột. Chúng có tác dụng bôi trơn khối phân trong đại tràng và làm mềm phân nên sau khi sử dụng từ 8 đến 72h, việc đi ngoài trở nên dễ dàng hơn.
Nhóm thuốc nhuận tràng làm tăng khối lượng phân
Nhóm thuốc nhuận tràng làm tăng khối lượng phân có chứa các hoạt chất làm tăng chất nhầy trong phân: normacol, transilane…, các chất xơ thực vật như celluson, infibran… So với các thuốc khác, nhóm thuốc này ít gây kích thích, ít độc và có thể sử dụng dài ngày hơn.
Nhóm thuốc nhuận tràng thẩm thấu
Cơ chế của nhóm thuốc này dựa trên đặc tính thẩm thấu, giúp làm tăng hấp thu nước vào lòng ruột. Từ đó, khối phân trở nên mềm hơn và tăng khối lượng, giúp phân dễ dàng được đẩy ra ngoài. Thuốc chứa một số hoạt chất làm tăng độ thẩm thấu như: lactulose, sorbitol…
Nhóm thuốc nhuận tràng làm tăng kích thích nhu động ruột
Nhóm thuốc này thường chứa các hoạt chất như: phénophtaléine, muối magiê, docusate natri, anthraquinonic… Lưu ý, các loại thuốc nhuận tràng thuộc nhóm làm tăng kích thích nhu động ruột không dùng cho người bị táo bón lâu ngày và đối tượng trẻ em.
Nhóm thuốc nhuận tràng dùng đường hậu môn
Nhóm thuốc nhuận tràng dùng đường hậu môn hoạt động theo cơ chế kích thích, làm tăng phản xạ tổng phân của đại tràng xích ma và trực tràng chỉ sau từ 5 đến 20 phút đặt thuốc. Nhóm thuốc này thường được bác sĩ kê cho bệnh nhân chuẩn bị thực hiện nội soi đại tràng.
Các loại thuốc nhuận tràng bán trên thị trường
- Thuốc Forlax
- Thuốc Duphalac
- Thuốc Sorbitol
- Thuốc Takeda
- Thuốc Biofermin S
Các loại thuốc đại tràng có thể dễ dàng tìm mua tại các tiệm thuốc trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, việc dùng thuốc cần phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên môn cùng với việc theo dõi sát sao trong quá trình sử dụng. Việc tự ý mua và dùng có thể gây nên một số tác dụng phụ không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Xem thêm: 5 loại thuốc kích thích nhuận tràng được dùng phổ biến hiện nay
Lưu ý khi sử dụng thuốc nhuận tràng
Thuốc nhuận tràng có các dạng bào chế khác nhau nên cách dùng cũng khác nhau. Đối với thuốc dạng viên, người dùng uống trực tiếp. Với dạng bột hoặc hỗn dịch, người bệnh cần pha với nước học để uống.
Thuốc chỉ có tác dụng tạm thời, không được phép sử dụng lâu dài bởi có thể gây nên các tác dụng phụ không mong muốn.

Thuốc nhuận tràng không nên sử dụng trong thời gian dài
Khi kết hợp uống cùng các loại thuốc khác, người bệnh cần xin ý kiến của bác sĩ. Đồng thời, bạn nên lưu ý về khoảng cách giữa các lần uống thuốc để tránh làm giảm tác dụng của nhau.
Dùng thuốc nhuận tràng lâu ngày có thể gây nên tình trạng đại tràng mất trương lực, không hoạt động hoặc giảm kali trong máu.
Không sử dụng thuốc cho các đối tượng như: người tắc ruột, viêm ruột thừa, viêm dạ dày, viêm ruột hoặc chảy máu trực tràng.
Bên cạnh các loại thuốc nhuận tràng, người bệnh cần kết hợp thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ, tăng cường vận động để tình trạng táo bón được cải thiện hiệu quả nhất.